Phương Tây với tư duy phân tích khoa học cho rằng phòng trẻ em phải là thế giới riêng của trẻ, đầy đủ tiện nghi và đề cao sự sáng tạo. Trong khi đó phong thuỷ Phương Đông lại xem trọng tính tổng hợp, đa năng của không gian, phòng của trẻ nhỏ phải ở chung với bố mẹ một phần là do không gian hẹp và cũng để dễ bề quản lý con cái.
Tiếp thu sự tiến bộ trong văn hóa phương Tây và loại bỏ những quan niệm sai lầm trong văn hóa phương Đông, ngày nay người ra cho rằng yếu tố an toàn và sáng tạo chính là những yêu tố quan trọng nhất trong phòng của trẻ. Sự sáng tạo cũng nên hiểu là sáng tạo trong phạm vi an toàn cho trẻ, và sáng tạo phù hợp tâm sinh lý và tính cách của từng trẻ nhỏ.
Phòng của trẻ nên được bố trí ở vùng nhiều lợi điểm về khí hậu. Nguyên tắc chung là yên tĩnh nhưng không quá khuất, tránh luồng gió thẳng nhưng phải thông thoáng, đủ dưỡng khí. Nên mở cửa sổ phòng trẻ về hướng mặt trời mọc đến đón được dương quang buổi sáng, ngăn ngừa bệnh còi xương cho trẻ. Tránh đặt phòng trẻ kề cận các không gian sang trọng (phòng khách, sinh hoạt gia đình, phòng thờ …) để sinh hoạt của người lớn không ảnh hưởng đến trẻ cũng như giảm sự nghịch ngợm, ồn ào trong sinh hoạt của trẻ đối với những nơi tôn nghiêm trong nhà.
Vị trí bàn học và giường ngủ trong phòng trẻ mang tính cơ bản và đơn giản về vị trí, không cần quá phụ thuộc về hướng tốt xấu như người lớn mà nên sắp xếp sao cho chỗ ngồi học không bị khuất bóng (cả ánh sáng tự nhiên lẫn ánh sáng đèn). Đồ đạc trong phòng cũng phải chắc chắn, làm bằng nguyên liệu an toàn, tránh nguy hiểm cho trẻ nhỏ
Màu sắc trong phòng của bé cũng vô cùng quan trọng:
– Cặp màu đỏ – xanh lá cây : hợp với trẻ hiếu động vì màu đỏ kích thích thị giác, gây chú ý trong khi xanh lá cây gần gũi với thiên nhiên
– Cặp màu cam – xanh dương : tạo cảm giác khoẻ khoắn và gia tăng trí tưởng tượng (hợp với tâm lý hướng ngoại của bé trai)
– Cặp màu vàng – tím : hợp với tâm lý hướng nội và lãng mạn, màu tím mang vẻ bí ẩn và kín đáo nhưng hạn chế dùng nhiều, dễ tạo sự u buồn.
– Cặp màu hồng – trắng : thể hiện sự dịu dàng và thư giãn, đồng thời vẫn tăng tính năng động vui tươi (hợp với phòng bé gái)
– Những cặp màu này có thể hoán đổi hay bổ sung tuỳ theo lứa tuổi và giới tính, cũng như tuỳ điều kiện ánh sáng và kích thước cụ thể của phòng trẻ.
Cần lưu tâm tới yếu tố tạo cảm giác an toàn và được che chở, thay vì tập trung cho những mảng màu sắc rực rỡ hoặc hình khối vui mắt. Ví dụ như bố trí giường cho trẻ luôn khác với giường của người lớn : không quá to rộng (thấy trống trải), nên có tầng trên trên hoặc làm dạng mái che để trẻ ở độ tuổi mẫu giáo “ẩn náu” an toàn bên dưới thay vì nằm nhìn lên trần nhà quá cao.
Giường của trẻ cũng nên kê sát vào một mảng tường (không có sửa sổ) để làm chỗ dựa và quanh giường cần có những khung, lan can, tủ kệ … mang tính bảo vệ kết hợp chỗ để vật dụng.
Đây là một số lưu ý trong thiết kế nội thất cho trẻ nhỏ, hy vọng có thể giúp các bố mẹ có cái nhìn tổng quan hơn về nội thất cho trẻ em và chọn được guu thiết kế phù hợp với con cái của mình.